Đôi chút về việc tạo dựng thói quen


Đôi chút về việc tạo dựng thói quen


Photo: StockSnap từ Pixabay

Cũng khá lâu rồi tôi chưa có viết bài blog mới. Bài viết tôi viết gần đây nhất là bài Cuộc đời không nghiêm túc đến vậy (17.10). Vì đôi khi tôi tự dưng thấy việc viết blog khá tốn thời gian ( khoảng 30p - 1h cho một bài viết ). Mặc dù tôi cũng đã khá quen với việc viết văn. Bởi vì trước đó tôi đã luyện thói quen viết mỗi ngày liên tục trong gần 1 tháng. Sau đợt đấy thì sự tự tin về viết văn lên cao hẳn. Không còn ngại viết mà nghĩ việc viết cũng khá đơn giản và dễ dàng. Cứ nghĩ ý tưởng rồi viết thôi. Giờ lâu tôi không viết thường xuyên thì cái " Lười " đương nhiên lên ngôi. Nhưng từ giờ tôi sẽ ra bài viết đều đặn hơn. Không chỉ vì người đọc mà cả vì tôi nữa. Tôi muốn sau này có cái để đọc lại. Để biết bản thân đã tiến bộ hằng ngày như thế nào. Vì đôi khi mình cũng cần chiêm nghiệm lại quá khứ để lấy đó làm bài học cho tương lại phát triển tốt hơn phải không nào?

Giờ mình sẽ đi vào nội dung chính của bài viết lần này. Chủ đề về việc tạo dựng thói quen tốt trong cuộc sống. 

Nói đến thói quen thì hẳn có nhiều bạn biết về vấn đề này. Cũng đã tự nhận thức đâu là thói quen tốt, đâu là thói quen không tốt. Điều này tôi sẽ không đề cập ở đây nữa. Tôi sẽ đi sâu hơn vào việc tạo dựng thói quen cũng như cách thức thói quen hoạt động và khiến bạn đạt được những tiến bộ bất ngờ trong cuộc sống. 

1. Tạo dựng 1 thói quen bất kỳ. 

Việc tạo dựng bất cứ thói quen nào cũng cần thời gian và kỷ luật. Thông thường những thói quen không tốt thường dễ hình thành hơn. Bởi bạn không cần phải nỗ lực nhiều trong quá trình tạo dựng nó. Chẳng hạn như buồn chán là lướt mạng, rảnh rỗi là online, .... Nhưng với thói quen tốt, ngoài thời gian cho nó thì đó là một sự kỷ luật vô cùng nghiêm khắc với bản thân mỗi người. Đầu tiên là thời gian, trung bình để tạo được thói quen, theo như tôi tìm hiểu thì cần 100 ngày ( tương đương hơn 3 tháng ). Sau khi bạn đã đạt được thói quen thì bạn sẽ cảm thấy khó chịu mỗi khi không được thực hiện chúng. Và thường thì phần thưởng của những thói quen tốt bao giờ cũng không làm bạn phải thất vọng. Chẳng hạn như tôi thích đọc sách tiếng Anh. Tôi đã phải kiên trì liên tục hơn 1 năm để luyện thói quen này. Bắt đầu với những câu văn đơn giản nhất cho tới những câu phức tạp hơn. Giờ thì tôi có thể đọc được những cuốn sách tiếng Anh mức độ trung bình. Mặc dù cũng có từ tôi chưa biết nghĩa, nhưng từ ý chung của đoạn tôi vẫn hiểu người viết muốn truyền tải điều gì. Điều quan trọng ở đây, bạn cần KỶ LUẬT cực cao. Mỗi ngày từng chút một. Tôi nhận thấy rằng đa số mọi người hào hứng được 2-3 hôm là lại quay về với cuộc sống như mình vẫn thế. Nếu bạn không giữ kỷ luật bản thân thì bạn khó có thể hình thành được thói quen tốt nào. Vậy nên, nếu đã quyết định tạo dựng thói quen tốt nào. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu mình có thể duy trì nó được mãi không? Động lực sâu xa của mình là gì?

2. Cách thức thói quen hoạt động

Cách thức 1 thói quen hoạt động? Nghe có vẻ hơi triết học nhỉ? Nhưng tôi sẽ giải thích một cách rất đơn giản đó là: " Quá trình hành động một cách vô thức ". Sao lại vô thức? Đó là vì nếu bạn lập đi, lập lại một hành động đủ lâu, não bộ sẽ tự động sẽ đưa phần hành động lập lại vào tiềm thức. Sau đó, mỗi lần hành động đó diễn ra, phần tiềm thức sẽ điều khiển hành động thay phần ý thức. Nó ưu tiên phần ý thức làm những hành động mới, sáng tạo, thách thức hơn. Ví dụ, bạn tập đánh văn bản nhanh bằng 10 ngón tay. Ban đầu bạn vẫn cần dùng ý thức để bấm từng phím một đúng với vị trí trên bàn phím. Nhưng sau một thời gian, bạn không cần nhìn vào bàn phím mà vẫn đánh đúng vị trí từng phím và đúng với chỗ cần đặt ngón tay. Nếu tôi bảo bạn đọc tên chữ trên bàn phím theo thứ tự có thể bạn chưa đọc được. Nhưng nếu tôi cho bạn đưa tay lên bàn phím thì bạn có thể nói đúng tên chữ cái. Điều này đã phần nào giải thích về việc phần tiềm thức đã hoạt động để thay thế phần ý thức. Một thói quen nếu được rèn luyện đủ "chín" thì sẽ được chuyển phần tiềm thức và bạn sẽ được thảnh thơi để nghĩ nên làm gì tiếp theo. Thay vì nghĩ " nhấn phím nào trên bàn phím ".

3. Những tiến bộ tạo bởi thói quen

Những tiến bộ tạo bởi thói quen thường không phải ngày 1, ngày 2 là có. Cũng có thể 3-6 tháng hoặc cả năm trời. Nhưng dù sao thì nó cũng xứng đáng để bạn làm. Giả sử bạn luyện đàn guitar mỗi hôm từ 5-10p thôi. Nhưng nếu tính trên cả 1 năm thì nếu là 5p/ ngày bạn đã có 1825p ~ 30,4h luyện tập. Một con số đủ để bạn đạt được mức độ cơ bản cho một kỹ năng. Nếu bạn đọc cuốn sách 20h đầu tiên để thành thạo kỹ năng của tác giả John Kaufman thì bạn cũng không lạ lẫm gì với ý tưởng này. Chỉ với việc dành ra 5p vô cùng nhỏ bé mỗi ngày, chẳng hạn như nghĩ giữa giờ luyện 5p thì sau 1 năm bạn đã đạt được mức độ cơ bản của kỹ năng. Mặc dù là bạn không hề phải dành nhiều thời gian hay sự nỗ lực. Tất cả chỉ từ những cú hích vô cùng nhỏ bé. 

Nếu tính trung bình sự tiến bộ của thói quen là 1%/ ngày thì 1 năm bạn đã tiến bộ ~37 lần so với bạn ở hiện tại. Thật là một con số quá kinh khủng, giống như lãi suất kép vậy. Và nếu là ngược lại thì sao? Nếu bạn giảm 1% mỗi ngày trong 1 năm thì bạn sẽ quay trở về mức độ "Zezo" trong truyền thuyết chứ sao nữa :D. Vậy đấy, lựa chọn tiến bộ hay thụt lùi là ở bạn.

Như vậy là tôi cũng đã chia sẻ kha khá điều về việc tạo dựng 1 thói quen tốt bất kỳ mà bạn mong muốn. Mong là bạn sẽ có cái nhìn sâu hơn về việc tạo dựng thói quen cho mình. Và đặc biệt chúc bạn thành công khi tạo dựng thói quen của mình. 

Hẹn gặp lại ở một bài viết khác!

9:22 p.m

Thái Nguyên, 31.10.20

------
Theo dõi blog của tôi để cập nhật bài viết sớm nhất nhé!


Donate cho tôi nếu bạn muốn (ví airpay) : dandyduong888
Giảm 15k cho đơn hàng đầu tiên trên Fahasa: XR9LFH

0 Comments