Hình ảnh: StartupStockPhotos từ PixabayHơn một tháng trở lại đây mình bắt đầu quãng thời gian làm việc ở nhà. Nghĩ về quãng thời gian vẫn tới công ty làm hàng ngày mà mình thấy một chút nhớ cái cảm giác sáng dậy sớm và chuẩn bị thật nhanh cho kịp giờ làm. Mặc dù mình thức dậy khá sớm (khoảng 6 giờ hơn) nhưng morning routine của mình cũng cần khá nhiều thời gian. Mình nghĩ về mình với guồng công việc dù là khi làm tại công ty hay ở nhà thì cũng không có nhiều sự thay đổi. Nếu có sự thay đổi khi làm việc ở nhà thì có lẽ sự căng thẳng của mình lên cao hơn và lượng công việc cũng hoàn thành ít đi. Nguyên nhân có lẽ mình chưa thực sự tách mình khỏi công việc và cuộc sống cá nhân. Cả 2 giá trị cứ đan xem và hòa vào nhau khiến mình cảm thấy cần phân tách rõ ràng để có sự cân bằng trở lại.
Dù ở nhà nhưng việc viết blog hay ra video cũng cứ bị trì hoàn lại. Điều này không hề tốt chút nào cho sự phát triển của mình. Và mình cũng dành quá nhiều thời gian cho những tin tức không hữu ích trên mạng xã hội hay những trang truyện ít có tính vận dụng cho cuộc sống mà đơn giản chỉ để chìm đắm vào đó và không phải nghĩ tới công việc mà mình đang làm.
Nhận ra những điều này, mình cần sự thay đổi để thoát khỏi guồng công việc và dành thời gian suy ngẫm chất lượng. Sau đó đưa ra giải pháp cho sự thay đổi trong thời gian tới.
1. Những cuộc trò chuyện "gần" thâu đêm
Mình và cậu bạn thường có những cuộc trò chuyện vào buổi tối nào đó trong tuần hoặc ngày cuối tuần. Và sự thật thì đây là những cuộc trò chuyện hữu ích vì nó góp phần giải tỏa căng thẳng và khiến mình vui vẻ hơn. Nhưng giống như 2 mặt biện chứng của một vấn đề. Mặt tốt thì mình đã nhận thấy rồi vậy thì mặt ít tích cực kia là gì?. Việc cố lờ đi mặt kia của vấn đề giống như việc mình đang để vấn đề thêm phần lớn mạnh và khó để giải quyết hơn. Vậy nên, mình quyết định đối mặt với vấn đề và xem điều gì thực sự cần loại bỏ. Ngay lập tức, vấn đề hiển lộ. Mình cùng cậu bạn nói chuyện online trong khoảng thời gian quá nhiều cho một cuộc trò chuyện đáng lẽ nên giữ ở mức độ chất lượng. Vì càng kéo dài một cuộc trò chuyện, giá trị cận biên sẽ càng giảm khi cuộc trò chuyện đạt giá trị cực điểm. Mình đã trò chuyện quá nhiều, đôi khi xen vào cả giấc ngủ mà mình cho là quý giá đối với sự phục hồi và tái tạo của cơ thể ( thường thì khoảng 3 đến 4 tiếng cho một cuộc trò chuyện như vậy. Và khi nói cả 2 thấy có nhiều thời gian nói, lượng thông tin giá trị và hữu ích sẽ loãng và cuộc trò chuyện sẽ trở thành vô bổ). Để có một cuộc trò chuyện thực sự hữu ích và giá trị. Từ giờ, mình sẽ chuẩn bị một vài điểm cần nói và nén thông tin lại hết mức có thể. Đương nhiên thời gian cũng chỉ từ 1-2 tiếng. Vậy là quá nhiều cho một cuộc trò chuyện chất lượng giữa 2 người bạn.
2. Khoản chi tiêu cho sự "rảnh"
Nếu chỉ nói rảnh thì vẫn chưa đủ, có lẽ cần kể thêm sự chán vào nữa. Khi bạn lập lại những công việc (ý mình là mọi việc trong ngày) giống y nhau từ ngày này qua ngày khác. Thì khái niệm về thời gian và không gian không còn tồn tại nữa. Cảm giác mình như một chú robot vậy. Chính vì vòng lập chán ngấy này, mình cảm giác cần có thứ gì đó mới mẻ hơn. Vì thế, mình đã lướt mấy trang mua hàng và mua một vài món gì đó mới để khiến bạn thân vui vẻ. Thường thì niềm vui đó chỉ có khi mình vừa nhận được món đồ đó. Và quả thực điều này gây tốn kém cho túi tiền của mình mà đáng ra nên dùng vào những việc khác hữu ích hơn. Có thời điểm, mình thực sự thích chiếc apple watch và cũng có khi mình đủ để tậu một cái. Nhưng rồi mình vẫn không mua. Vì một người theo lối sống tối giản, mình nghĩ về việc mình có thực sự cần chiếc đồng hồ đó hay không? nó có giúp ích gì đáng kể hơn cho công việc mà những món đồ khác không làm được không? thì câu trả lời là không. Vậy nên mình đã gạch bỏ việc chi tiền cho món đồ này. Có thể thời điểm nào đó trong tương lai mình sẽ cần đến nó, có thể mình tham gia một nhóm chạy bộ cùng các bạn. Nhưng dù sao đi nữa, tới lúc đó hãng hay. Giờ thì mình chưa cần tới nó vì bất cứ lí do gì.
3. Người bạn sách " Này cậu, đọc tớ đi! "
Ờ thì việc chi tiêu bốc đồng kéo theo nhiều điều. Và những cuốn sách mình cần phải đọc là một ví dụ tiêu biểu. Nếu mình đọc xong hết những cuốn mình mua trước đó rồi mới mua thêm thì chuyện đã đỡ phức tạp hơn nhiều rồi. Vì những cuốn sách trước đang đọc chưa xong mà mình đã mua thêm những cuốn mới. Theo thói quen mỗi tháng mua vài quyển. Nếu cứ theo thói quen chưa đọc mà lại mua thêm, dù bàn học mình rộng hay giá sách mình to cũng không chứa được hết sách mua về. Hồi trước, khi mình dùng gần như toàn bộ số tiền mới kiếm được mua sách, ông mình đã khuyên rằng "cháu hãy đọc hết rồi lại mua thêm." Giờ thì mình hiểu điều này rồi. Do vậy, mình sẽ phải tạm ngừng mua sách một thời gian cho tới khi giải quyết hết chỗ sách mình đã mua về trước đó.
Việc có nhiều sách chưa đọc cũng làm bạn thêm sự căng thẳng vì nghĩ rằng mình có quá nhiều việc phải làm. trong khi thực chất chỉ là ngồi vào bàn và mở 1 cuốn sách ra đọc. Đôi khi những áp lực khiến mình trì hoãn việc đọc nhưng thực sự đây là việc cần thiết mà mình cần phải làm thường xuyên nếu muốn nâng cao hiểu biết của mình về vấn đề nào đó mà mình đang quan tâm trong cuộc sống cá nhân hay trong công việc.
Đây là một số chiêm nghiệm của mình khi làm việc ở nhà. Mong sẽ hữu ích với bạn.
See you!
21:43 PM
Hà Nội, 5.9.21
0 Comments